Phác đồ điều trị bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
389
Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh thường gặp về tiêu hóa. Khi mắc bệnh, niêm mạc dạ dày bị tổn thương và xuất hiện các vết viêm, loét do vi khuẩn Hp (Helicobacter Pylori) gây nên. Vì thế, việc sử dụng thuốc để diệt vi khuẩn và làm lành các vết loét trên niêm mạc là điều rất quan trọng.
Xem thêm:
Các thuốc dùng trong điều trị viêm loét dạ dày bao gồm có kháng sinh diệt vi khuẩn, thuốc làm giảm tiết acid dạ dày, thuốc làm lành vết viêm loét (viên bao vết loét). Những thuốc này thường được dùng phối hợp với nhau, tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân, độ nông sâu của vết loét dạ dày, mức độ nhiễm khuẩn,… Dưới đây là một vài thông tin về phác đồ phối hợp dùng thuốc trong điều trị bệnh dạ dày.
Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có Hp
Thông thường, với những bệnh nhân bị viêm loét do vi khuẩn gây nên, các bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị kết hợp nhiều loại kháng sinh (3 hoặc 4 thuốc ở mỗi phác đồ).
Bước đầu tiên để điều trị viêm loét dạ dày do Hp, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc theo phác đồ lần đầu. Dựa theo tình trạng từng người bệnh và sơ đồ dịch tễ của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp, có hiệu quả nhất:
- Với khu vực miền Bắc và miền Trung, phác đồ PPI + Amoxicillin + Clarithromycin (dùng trong 14 ngày) thường được sử dụng, do 2 khu vực này tỷ lệ vi khuẩn kháng Clarithromycin thấp.
- Ở khu vực miền Nam, tỷ lệ vi khuẩn Hp kháng kháng sinh Clarithromycin và Metronidazole ở mức cao hơn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng phác đồ nối tiếp, hoặc phác đồ dùng 4 thuốc đồng thời.
- Với phác đồ lần thứ 2 này, chỉ sử dụng khi phác đồ lần 1 ở trên điều trị thất bại. Nếu trước đó người bệnh chưa sử dụng phác đồ 4 thuốc thì dùng thêm Bismuth (kết hợp với 3 thuốc ở trên).
- Nếu đã sử dụng phác đồ 4 thuốc (có Bismuth) trước đó mà không hiệu quả, sử dụng phác đồ PPI + Amoxicillin + Levofloxacin trong trường hợp này.
Tuy nhiên, cần chú ý không dùng lại kháng sinh đã sử dụng trong phác đồ điều trị thất bại trước đó (trừ Amoxicillin) do tỷ lệ kháng thuốc là rất cao. Vì thế, sau mỗi lần khám và sử dụng thuốc, người bệnh nên giữ lại đơn thuốc để cung cấp thông tin cho bác sĩ ở những lần khám sau.
Khi dùng cả 2 phác đồ điều trị liên tiếp ở trên mà người bệnh vẫn không có đáp ứng với thuốc, tình trạng bệnh không được cải thiện, lúc này cần tiến hành nuôi cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ, và dựa theo đó mới đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo.
Như vậy có thể thấy, để đạt được kết quả trị bệnh tốt, việc sử dụng thuốc kháng sinh theo phác đồ điều trị viêm loét dạ dày có hp nên có những lời khuyên của các bác sĩ và chuyên gia về sức khỏe. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc cũng như dùng lại đơn thuốc của người khác, tránh gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh.
Xem thêm: Bị rụng tóc có phải do vi khuẩn HP