Cách phòng ngừa các biến chứng của viêm loét dạ dày hành tá tràng
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
339
Nội dung bài viết
ToggleViêm loét dạ dày, viêm loét hành tá tràng là những chứng bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể gặp. Bệnh thường được biết đến với biểu hiện là những cơn đau dạ dày, trào ngược thực quản hay chỉ đơn thuần là các triệu chứng của việc rối loạn tiêu hóa.
Nhưng đừng vì thế mà bạn chủ quan nhé. Những chứng bệnh này có đặc điểm là thường kéo dài dai dẳng, gây nhiều bất cập cho cuộc sống của bạn. Không chỉ vậy, nếu như bệnh được phát hiện mà chữa trị không dứt điểm, hoặc không được phát hiện sớm để điều trị, thì nguy cơ bệnh chuyển thành viêm loét dạ dày hành tá tràng mạn tính, xuất hiện các biến chứng nguy hiểm là rất dễ xảy ra.
Những biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày hành tá tràng
Viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày. Các biến chứng này thường diễn ra một cách thầm lặng, khi có những biểu hiện ra ngoài tức là bệnh chuyển biến nặng và có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Biểu hiện cụ thể của các biến chứng này là những cơn đau bụng dữ dội, đau quặn kéo dài. Người bệnh khi có cơn đau hầu hết là không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông dụng như paracetamol, aspirin. Tình trạng nôn nhiều, nôn ra máu hay đi ngoài ra phân đen, phân có lẫn máu tươi cũng dễ thấy.
Các biến chứng này nếu không sớm phát hiện và điều trị sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế, việc phòng ngừa để hạn chế nguy cơ mắc biến chứng là điều mà người bị viêm loét dạ dày hành tá tràng cần quan tâm hàng đầu.
Cách phòng ngừa các biến chứng của bệnh
Ưu tiên hàng đầu của các chuyên gia sức khỏe đối với bệnh nhân viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng là sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Hp – nguyên nhân chính gây nên các vết loét. Đồng thời sử dụng các thuốc ức chế tiết acid, thuốc bao vết loét, thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, việc dùng nhiều thuốc có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn trên gan và thận của bệnh nhân. Bởi vậy, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ sẽ giúp phòng ngừa tốt nhất với các biến chứng.
Người bệnh nên thực hiện các chế độ ăn uống khoa học, ăn đúng giờ đúng bữa, hạn chế tối đa các loại thực phẩm gây kích thích đường tiêu hóa như đồ ăn cay nóng, đồ ăn chua, các loại nước uống chứa cồn, ga,… Hạn chế việc uống café thức khuya.
Nên ăn những đồ ăn có tính ấm, mát và lành với hệ tiêu hóa. Phân chia điều độ lượng công việc trong ngày và thời gian nghỉ ngơi để giảm thiểu mọi căng thẳng trong cuộc sống.
Ngoài ra, người bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng có thể sử dụng một số loại thảo dược theo sự tư vấn của bác sĩ, để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh, phòng ngừa các biến chứng của bệnh được tốt hơn.