Triệu chứng, Chẩn đoán, Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung
-
Ngày đăng:
06/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
292
Bệnh ung thư cổ tử cung Cổ tử cung là phần phía dưới của tử cung và nằm trong âm đạo của người phụ nữ. Ung thư cổ tử cung là khối u ác tính phát triển từ cổ tử cung, thường xuất hiện trên nền các thương tổn tiền ung thư và phát triển thành ung thư tại chỗ (cổ tử cung), sau đó xâm lấn các cơ quan lân cận (âm đạo, bàng quang) rồi di căn đến gan, phổi, xương, não v.v…
Giai đoạn sớm: không có triệu chứng gì đặc biệt, người bệnh thường đi khám bệnh định kỳ hoặc làm xét nghiệm tế bào học tại cổ tử cung – âm đạo và phát hiện ra bệnh.
Giai đoạn muộn: thường có các triệu chứng:
– Ra máu bất thường ở âm đạo: ra máu sau giao hợp, giữa hai kỳ kinh, sau mãn kinh, sau đại tiện gắng sức.
– Ra khí hư nhiều, khí hư lẫn máu, có mùi hôi.
– Đau vùng hạ vị, đau ngang cột sống thắt lưng.
Chẩn đoán bệnh
+ Khám lâm sàng:
Thăm khám âm đạo bằng tay và mỏ vịt: Khối u cổ tử cung có thể có hình dạng sùi, sùi-loét, dạng thâm nhiễm cứng.
+ Triệu chứng xét nghiệm
– Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung-âm đạo (Test PAP): Quệt tế bào bong cổ trong và cổ ngoài tử cung, nhuộm soi phát hiện tế bào bất thường. Đây là phương pháp có giá trị để phát hiện tổn thương tiền ung thư, ung thư ở giai đoạn sớm và được dùng trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư ở cộng đồng.
– Soi cổ tử cung: máy soi cổ tử cung để quan sát tổn thương ở giai đoạn sớm, qua đó xác định vị trí sinh thiết được chính xác.
– Sinh thiết tổn thương: dùng kìm sinh thiết tổn thương u để làm xét nghiệm mô bệnh học.
– Khoét chóp cổ tử cung: dùng dao điện dạng vòng cắt một phần cổ tử cung. Đây là biện pháp lấy bệnh phẩm để chẩn đoán mô bệnh học đồng thời cũng là biện pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn tại chỗ.
– Các xét nghiệm khác: Siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, xạ hình xương, PET/CT, nội soi bàng quang-trực tràng đánh giá mức độ xâm lấn của khối u và tình trạng di căn xa.
Nguyên nhân của bệnh ung thư cổ tử cung:
Một số yếu tố được coi là có liên quan nhiều đến ung thư cổ tử cung như: quan hệ tình dục sớm, với nhiều người, sinh đẻ nhiều, vệ sinh sinh dục kém.
Phương pháp điều trị
Tuỳ theo giai đoạn bệnh mà áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau:
– Giai đoạn sớm (Loạn sản, ung thư tại chỗ): Đốt lạnh, đốt laser, cắt vòng (LEEP), khoét chóp cổ tử cung, cắt tử cung toàn bộ.
– Giai đoạn II, III
+ Phẫu thuật: Cắt tử cung toàn bộ + 2 phần phụ + vét hạch chậu hai bên.
+ Xạ trị: xạ trị đơn thuần, xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật, xạ trị kết hợp với hoá trị. Có thể kết hợp xạ trị ngoài và xạ trị áp sát. Xạ trị bằng máy Co-60 hoặc máy gia tốc theo kỹ thuật 3D hoặc xạ trị điều biến liều. Có thể mô phỏng lập kế hoạch xạ trị bằng máy CT hoặc PET/CT.
+ Hoá trị: Là dùng hoá chất tiêu diệt các tế bào ác tính. Có thể hoá trị sau phẫu thuật, hoá trị đơn thuần, hoá trị kết hợp với xạ trị.
– Giai đoạn muộn
+ U xâm lấn bàng quang, trực tràng: nếu còn khả năng phẫu thuật thì phẫu thuật vét đáy chậu trước, sau, toàn bộ công với điều trị hoá xạ trị; nếu không còn khả năng phẫu thuật thì điều trị hoá xạ trị.
+ Khối u lan rộng chèn ép gây suy thận, chảy máu: xạ trị triệu chứng; nếu hết suy thận và chảy máu thì xem xét khả năng điều trị hoá trị.
+ Khối u xâm lấn di căn xương: dùng thuốc chống huỷ xương: kết hợp xạ trị giảm đau vào vùng tổn thương di căn xương gây đau hoặc xạ trong giảm đau bằng P-32.
– Hạn chế vận động khi khối u gây chảy máu âm đạo.
– Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, nhẹ nhàng.
– Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý: ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, ăn đầy đủ, nhiều loại thực phẩm khác nhau: cá, thịt, tôm, cua, đậu, rau, hoa quả…
– Luôn có tâm lý thoải mái trong và sau điều trị.
Cách phòng bệnh ung thư cổ tử cung
Tiêm vaccine phòng chống HPV cho trẻ em gái từ 9 tuổi trở lên.
Hạn chế quan hệ tình dục sớm, với nhiều người.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Vệ sinh sinh dục tốt.
Khám sức khoẻ định kỳ để sàng lọc và phát hiện sớm, điều trị các tổn thương tiền ung thư.