Chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu
-
Ngày đăng:
26/03/2019 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
324
Với hàng nghìn loài cây thực vật và nấm lớn có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh, Việt Nam là một trong những nước có nguồn dược liệu phong phú bậc nhất. Tuy nhiên, do chưa khai thác được hết tiềm năng nên người dân vẫn phải sử dụng nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng nhập khẩu với giá thành cao.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, các chuyên gia Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã chế tạo thành công sản phẩm Nano Curcurmin (hay còn gọi là CumarGold) từ nguồn curcumin chiết xuất từ tinh nghệ vàng của cây nghệ vàng trồng trong nước. Ngoài tác dụng đối với bệnh viêm loét dạ dày, CumarGold còn có tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, tim mạch, viêm khớp và làm đẹp… Đánh giá thực nghiệm cho thấy, so với sản phẩm thông thường, nano curcumin giúp tăng độ hấp thu lên 95% và hiệu quả điều trị vượt trội so với curcumin thông thường.
PGS.TS Phạm Hữu Lý, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hóa học cho biết, mối “lương duyên” giữa khoa học và tinh chất nghệ cucurmin đã “đánh thức” những tác dụng quý hiếm, đặc biệt là trong điều trị bệnh ung thư: “Uống thuốc chống ung thư bây giờ đều gây ra rụng tóc, hủy hoại tủy xương và nhiều phản ứng phụ làm bệnh nhân chết trước khi khỏi bệnh do phải dùng tá dược nên dẫn đến hiện tượng như vậy”.
Vì vậy, theo PGS.TS Lý, công nghệ nano trong sản phẩm nghệ giúp cho bệnh nhân giảm được liều lượng sử dụng và quan trọng là nó hướng đích, nó giúp diệt tế bào ung thư mà không giết tế bào lành. “Niềm vui của chúng tôi không chỉ với curcumin nano, mà niềm vui là mình chinh phục được công nghệ này, mở ra những hướng nghiên cứu mới cho nhiều sản phẩm dược phẩm sau này” – PGS.TS Lý kỳ vọng.
Dù nước ta có nguồn dược liệu phong phú, nhưng không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại khi dược liệu chất lượng kém, giá thành rẻ, qua đường nhập lậu ồ ạt tràn về. Làm sao tận dụng, khai thác hết tiềm năng những loại cây cỏ có tác dụng chữa bệnh vẫn là câu chuyện mà GS.TS Đào Văn Phan, nguyên Trưởng khoa Dược lý, Đại học Y Hà Nội trăn trở. GS.TS Phan cho biết, thực tiễn nghiên cứu, điều trị cho thấy, có rất nhiều dược liệu có tác dụng chữa bệnh vượt trội.
Công tác dược lý là nghiên cứu, chứng minh tác dụng của thuốc, bằng cách tách chiết, tìm hoạt chất, thử nghiệm, có một số cây quả thực tác dụng tốt, có giá trị, ví dụ cây diệp hạ châu giải độc gan, cây dừa cạn hạ huyết áp, cây nhàu, rồi cây thông đỏ chữa ung thư, giảo cổ lam hạ lypid máu, hạ đường huyết, cây trinh nữ hoàng cung tách chiết hoạt chất chữa u xơ tử cung. Nguồn gốc cây thuốc Việt Nam rất nhiều, và 10 năm gần đây, GS Phan nhìn đến tác dụng của cây nghệ, gọi là curcumin, và công nghệ nano đã mở ra rất nhiều triển vọng cho những cây cỏ dược lý quý ở nước ta.
Từ câu chuyện của nano cucurmin, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tiềm năng của thị trường thuốc, thực phẩm chức năng sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn nguồn nguyên liệu làm thuốc ở nước ta đều ở dạng thu hái tự nhiên với trữ lượng thấp; chưa có những vùng chuyên canh trồng cây thuốc đạt chất lượng cao; một số loài dược liệu ở tình trạng khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng… trong khi lại phải cạnh tranh khốc liệt với dược liệu nhập lậu…
Để cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam đi vào thực chất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế đã khởi động một số chương trình cũng như chính sách để tận dụng vốn quý của dược liệu Việt Nam. Ngành y tế đã tham mưu cho Chính phủ lần đầu tiên ra chính sách quy hoạch tổng thể các vùng nuôi trồng dược liệu trong cả nước, để trong tương lai Việt Nam có nguồn dược liệu sản xuất, bớt nhập dược liệu, tăng sản phẩm trong nước.
Rõ ràng, với hàng nghìn loài dược liệu quý, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm của nước ta rất lớn. Cần quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển vùng dược liệu chất lượng cũng như những chính sách khuyến khích, sử dụng các sản phẩm từ dược liệu trong nước. Có như vậy, người tiêu dùng Việt Nam mới ưu tiên sử dụng thuốc và các sản phẩm từ dược liệu trong nước./.
Thúy Ngà/Báo VOV